Theo báo cáo “Việt Nam: Tác động cân bằng của việc giảm giá dầu” được Ngân hàng ANZ công bố chiều 3/2, Việt Nam nắm giữ 0,3% trữ lượng dầu được phát hiện của thế giới, khoảng 4,4 tỷ thùng. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam có tỷ lệ dự trữ so với sản xuất cao nhất (ở mức 34,5), cao hơn các nước xuất khẩu dầu truyền thống như Brunei, Indonesia và Malaysia.
Nguồn: BP/ANZ |
Trong bối cảnh giá dầu đã giảm 57-60% kể từ giữa năm ngoái, ông Glenn Maguire - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của ANZ cho rằng chiến lược dự trữ dầu quốc gia là nên làm. Tuy nhiên, quan sát diễn biến giá dầu thì công việc này không nên quá gấp gáp bởi có thể tạo ra nhu cầu khiên cưỡng, ảnh hưởng đến cán cân thương mại.
“Giá dầu năm 2015 sẽ ổn định ở mặt bằng thấp, đồng ý là chúng ta nên dự trữ nhưng cần làm từ từ chứ không quá vội vã, cấp tập bởi sẽ khiến giá dầu lên cao, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, vãng lai. Việc dự trữ giá dầu cũng ảnh hưởng tới chi phí cơ hội”, ông Glenn nói. Hiện giá dầu thô ở mức 49 USD một thùng, ANZ dự đoán giá dầu sẽ xuống mức 48 USD một thùng vào nửa đầu năm nay và tăng lên 58 USD vào cuối năm.
Chuyên gia ANZ cho rằng biện pháp tối ưu là nên đầu tư vào các cơ sở lọc dầu trong nước. |
Bàn về kinh nghiệm dự trữ dầu của thế giới, ông Glenn chia sẻ đã có rất nhiều nền kinh tế coi đây là chiến lược quan trọng, một trong số đó là Trung Quốc. Trong quá trình công nghiệp hóa, quốc gia này cần rất nhiều dầu để phục vụ cho ngành sản xuất, khi đó, giá dầu biến động thất thường nên để tránh rủi ro, họ phải xây dựng chiến lược dự trữ. “Trung Quốc tăng dự trữ mạnh, song họ cũng chưa dùng nhiều đến kho này”, vị này cho biết.
Đối với Việt Nam, ông nhận xét bối cảnh hiện tại khác hẳn Trung Quốc trước đây, bởi giá dầu không phải giảm mạnh sau đó sẽ tăng mạnh mà ổn định ở mức thấp. “Chúng tôi cho rằng trong 12 tháng tới giá dầu không tăng vọt, nên không phải vội vàng với việc tăng dự trữ dầu”, chuyên gia ANZ khuyến nghị.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận không thể dự trữ dầu "vô hạn độ" bởi còn phụ thuộc vào năng lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và diễn biến giá dầu thế giới. “Việc dự trữ dầu nhằm ổn định tình hình sản xuất của PetroVietnam bởi không thể giảm sản lượng khai thác. Nhưng nếu sản xuất ra bán đi ngay thì bị thiệt, nên Thủ tướng chỉ thị sẽ dự trữ, nhưng dự trữ không thể vô hạn độ”, ông nói.
Cũng theo ANZ, chính sách dự trữ dầu chỉ nên dùng trong ngắn và trung hạn, về lâu dài, tối ưu nhất vẫn là tăng cường khả năng lọc dầu ở trong nước. Bà Eugenia Fabon Vitorino - chuyên gia kinh tế ngân hàng này cho biết về lâu dài Việt Nam sẽ chuyển từ xuất khẩu ròng dầu thô sang nhập khẩu do xu hướng tiêu dùng tăng lên.
Tiêu thụ dầu của Việt Nam đã tăng mạnh và vượt cả mức tăng trưởng hàng năm 7,5% trong 20 năm qua, nhanh nhất trong khu vực, vượt cả Trung Quốc. Diễn biến này đã góp phần khiến Việt Nam từ một nước sản xuất dầu trở thành nước tiêu thụ dầu từ năm 2010. Hiện nay, công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất mới khoảng 100.000 thùng một ngày, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 378.000 thùng của cả nước.
“Tuy có khả năng giá dầu tiếp tục xuống thấp nhưng chúng tôi thấy rằng cần phải đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ lưu về sản xuất, phân phối và xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu dầu thô phải giảm để hỗ trợ tiêu thụ trong nước”, bà nêu.
Bà Vitorino cũng đánh giá giá dầu thấp có thể tạo rủi ro cho các dự án lọc dầu đang triển khai do các nhà đầu tư dự báo triển vọng lợi nhuận thấp nên còn lưỡng lự. Song, quan điểm của ANZ là Việt Nam cần tăng công suất lọc dầu ngay từ bây giờ bởi tiêu thụ dầu đang ở xu hướng tăng lên và phải đầu tư từ lúc này mới đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.
Trong phiên họp thường kỳ ngày 30/1, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc dự trữ 1-1,5 triệu tấn dầu trong điều kiện giá dầu xuống thấp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời tạo nguồn bán ra khi thị trường phục hồi. Theo thông tin từ PetroVietnam, lượng dự trữ này có thể đến từ cả nguồn nhập khẩu và khai thác trong nước.
Trước đó một tháng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM - Lê Hoàng Quân cũng nêu quan điểm mua dầu về dự trữ khi giá xuống thấp. Song, trao đổi với báo chí, Chủ tịch PetroVietnam Nguyễn Xuân Sơn cho rằng việc xác định giá đáy để mua dự trữ là không đơn giản.
Phương Linh
Copyright © 1994-2024 TCA - Trung Chính Audio - Công ty TNHH Thiết bị âm thanh Trung Chính.
GPDKKD: 040183000034 do Cục CS ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư cấp ngày 22/11/2013. Chịu trách nhiệm nội dung: TCA - Trung Chính Audio. Email: kd@tca.vn